Chương trình truyền hình và podcast đang nổi lên như một xu hướng mới trong cách tiếp cận thông tin mới, nhờ vào sự hiểu quả khả năng tiếp nhận thông tin thụ động mà chúng mang lại. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh chóng của truyền thông và khả năng sinh lời từ những nội dung hấp dẫn, phù hợp với thị hiếu của khán giả, các vấn đề tiêu cực cũng bắt đầu xuất hiện. Đặc biệt hiện tại các hành vi sao chép ý tưởng đang diễn ra ngày càng phổ biến.
Khi bạn dành thời gian và công sức để xây dựng một nội dung giá trị, việc bảo vệ sản phẩm trí tuệ của mình là điều vô cùng quan trọng. Một trong những biện pháp hiệu quả nhất là đăng ký bản quyền để đảm bảo quyền sở hữu hợp pháp. Hôm nay, Legal House sẽ chia sẻ lý do tại sao việc đăng ký bản quyền là bước không thể thiếu.
I. Bản quyền là gì? Thế nào là vi phạm bản quyền?
Bản quyền là quyền của tác giả đối với tác phẩm do chính mình sáng tạo ra. Ngay từ thời điểm tác phẩm được hình thành, tác giả tự động được bảo vệ bởi quyền này. Điều đó có nghĩa là không ai được phép xâm phạm, quản lý, sử dụng hoặc khai thác giá trị của tác phẩm mà không có sự đồng ý của tác giả.
Theo Điều 6 Luật sở hữu trí tuệ quy định về quyền tác giả như sau:
Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.
Quyền liên quan phát sinh kể từ khi cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá được định hình hoặc thực hiện mà không gây phương hại đến quyền tác giả.
Những cá nhân hoặc tổ chức có hành vi được liệt tại điều 28 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2022 là những hành vi xâm phạm quyền tác giả.
Vd: Vừa qua, ca sĩ Lâm Bảo Ngọc đã có hành vi sử dụng bài hát “IF” của nhạc sĩ Vũ Cát Tường để biểu diễn tại các địa điểm bán vé mà không xin phép chủ sở hữu quyền tác giả. Hành động này vi phạm quy định về quyền tác giả, cụ thể thuộc khoản 8 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ, vì đã khai thác tác phẩm mà không có sự đồng ý của tác giả và thu lợi nhuận từ đó.
Tuy nhiên, trường hợp này nếu ca sĩ Lâm Bảo Ngọc sử dụng bài hát cho các buổi biểu diễn không thu phí dưới bất kỳ hình thức nào, mang tính chất cộng đồng, phục vụ lợi ích công cộng thì hành động này sẽ không bị coi là vi phạm quyền tác giả. Điều này được quy định rõ tại điểm e khoản 1 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ, cho phép sử dụng tác phẩm mà không cần xin phép hay trả nhuận bút, miễn là mục đích sử dụng không mang tính thương mại, nhằm phục vụ cho việc tuyên truyền và lợi ích công đồng.
II. Vậy tại sao bạn nên quan tâm đến việc đăng ký bản quyền?
Đăng ký quyền tác giả là một bước quan trọng nhằm bảo vệ người sáng tạo khỏi các hành vi sử dụng tác phẩm trái phép như sao chép, lạm dụng hay ăn cắp. Quá trình sáng tạo một tác phẩm đòi hỏi sự đầu tư lớn về trí óc, thời gian, và tài chính, do đó việc đăng ký bản quyền không chỉ là sự công nhận cho nỗ lực của tác giả mà còn khuyến khích tinh thần sáng tạo bằng cách đảm bảo các phần thưởng xứng đáng.
Khi tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả, chủ sở hữu có quyền kiểm soát việc sử dụng và sao chép. Bất kỳ ai muốn sử dụng tác phẩm đều phải được sự đồng ý của tác giả. Trong trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu, Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả sẽ là bằng chứng hợp pháp để bảo vệ quyền lợi của tác giả hoặc chủ sở hữu.
Nếu có ai đó sao chép chương trình truyền hình hoặc podcast của bạn mà không xin phép, bạn sẽ có cơ sở pháp lý để khởi kiện hoặc yêu cầu bồi thường. Ngoài ra, đăng ký bản quyền còn giúp tăng giá trị thương mại cho tác phẩm của bạn. Nếu bạn muốn bán bản quyền cho bên thứ ba, việc sở hữu giấy chứng nhận bản quyền sẽ giúp tăng độ tin cậy và giá trị của sản phẩm.
Ví dụ thực tế mà nhiều người biết đến là chương trình truyền hình nổi tiếng là chương trình Hai ngày một đêm được thực hiện và phát hành bởi Đông Tây Promotion. Trên thực tế chương trình “Hai ngày một đêm” là một chương trình truyền hình thực tế nối tiếng tại Hàn Quốc. Tại Việt Nam, chương trình được mua bản quyền bởi Vie NetWork để có thể cầm quyền sao chép ý tưởng, phát sóng và cấp phép thương mại để mang loại doanh thu cho đơn vị thu mua.
III. Quy trình đăng ký bản quyền chương trình truyền hình và podcast.
Bước 1: Xác định nội dung có thể đăng ký bản quyền
Không phải tất cả mọi thứ đều có thể đăng ký bản quyền. Với chương trình truyền hình và podcast, các phần thường được bảo vệ bao gồm:
- Kịch bản: Nội dung văn bản hoặc đoạn hội thoại mà bạn đã viết ra.
- Âm thanh và video: Những tập podcast, video quay trực tiếp chương trình, nhạc nền độc quyền.
- Hình ảnh, logo: Những yếu tố hình ảnh đặc trưng của chương trình.
Lưu ý: Các ý tưởng hoặc khái niệm trừu tượng sẽ không được bảo vệ. Chỉ khi ý tưởng được thể hiện dưới dạng cụ thể như văn bản hoặc bản ghi âm, nó mới đủ điều kiện để đăng ký.
Bước 2: Chuẩn bị tài liệu cần thiết
Trước khi đăng ký, bạn cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ cần thiết. Điều này bao gồm:
- Tác phẩm hoàn chỉnh: Ví dụ như file âm thanh, video hoặc bản thảo.
- Mô tả tác phẩm: Giải thích nội dung và cách bạn đã phát triển nó.
- Thông tin cá nhân: Bao gồm tên của tác giả, tổ chức sản xuất (nếu có), và các thông tin liên quan.
Các giấy tờ cần thiết để đăng ký quyền tác giả:
- Tờ khai đăng ký quyền tác giả. (Tờ khai do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả ký tên hoặc điểm chỉ).
- Đối với tác phẩm điện ảnh (chương trình chuyền hình) sẽ đăng ký theo mẫu số 06 ban hành kèm theo Thông tư số 08/2023/QĐ-BVHT.
- Đối với tác phẩm bài nói (podcast) sẽ đăng ký theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư số 08/2023/QĐ-BVHT.
- Hai bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả.
- 01 Bản lưu tại Cục bản quyền tác giả.
- 01 Bản đóng dấu ghi số Giấy chứng nhận đăng ký gửi trả lại cho chủ thể được cấp Giấy.
- Đối với tác phẩm điện ảnh (truyền hình): Bản sao có thể nộp dưới dạng vật lý như đĩa DVD hoặc USB hoặc dưới dạng kỹ thuật số, tùy thuộc vào yêu cầu cụ thể của cơ quan đăng ký + kịch bản của tác phẩm.
- Đối với tác phẩm nói (podcast): Bản sao có thể nộp dưới dạng vậy lý DVD hoặc USB hoặc dưới dạng kỹ thuật số, tùy thuộc vào yêu cầu cụ thể của cơ quan đăng ký + lời kịch bản của tác phẩm.
- Văn bản ủy quyền, nếu người nộp hồ sơ là người được ủy quyền. Văn bản ủy quyền phải ghi cụ thể thông tin liên hệ của bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền; tên tác phẩm; phạm vi ủy quyền, thời hạn ủy quyền.
- Tài liệu chứng minh là chủ sở hữu quyền do tự sáng tạo hoặc do giao nhiệm vụ sáng tạo, giao kết hợp đồng sáng tạo, được thừa kế, được chuyển giao quyền:
-
- Tài liệu chứng minh nhân thân: 01 bản sao Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu.
- Tài liệu chứng minh tư cách pháp lý đối với tổ chức: 01 bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy phép thành lập hoặc Quyết định thành lập.
- Tài liệu chứng minh chủ sở hữu quyền do giao nhiệm vụ sáng tạo là quyết định giao nhiệm vụ hoặc xác nhận giao nhiệm vụ cho cá nhân thuộc đơn vị, tổ chức đó
- Tài liệu chứng minh chủ sở hữu quyền do giao kết hợp đồng sáng tạo là hợp đồng, thể lệ, quy chế tổ chức cuộc thi.
- Tài liệu chứng minh chủ sở hữu quyền do được thừa kế là văn bản xác định quyền thừa kế có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật.
- Tài liệu chứng minh chủ sở hữu quyền do được chuyển giao quyền là hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, mua bán, góp vốn bằng văn bản có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật.
- Trong trường hợp tác giả không đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả phải có văn bản cam đoan về việc tự sáng tạo và sáng tạo theo quyết định hoặc xác nhận giao việc; hợp đồng; tham gia cuộc thi và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung cam đoan
- Trường hợp trong tác phẩm có sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của người đó theo quy định của pháp luật. (Bản chính).
- Bạn có thể nộp hồ sơ đăng ký bản quyền tại Cục Bản quyền tác giả. Bạn cũng có thể sử dụng các dịch vụ của luật sư hoặc các tổ chức chuyên nghiệp nếu cảm thấy quá trình này phức tạp.
Bước 3: Nộp hồ sơ và theo dõi
Khi bạn đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, bước tiếp theo là nộp đơn đăng ký tại Cục Bản quyền tác giả Việt Nam hoặc thông qua một đơn vị trung gian.
Sau khi nộp hồ sơ, bạn cần đợi khoảng từ 15 đến 50 ngày để cơ quan chức năng xem xét và cấp giấy chứng nhận bản quyền. Hãy chắc chắn theo dõi tiến trình để có thể cập nhật kịp thời nếu có yêu cầu bổ sung giấy tờ.
Bước 4: Bảo vệ bản quyền sau khi đăng ký
Sau khi có giấy chứng nhận bản quyền, bạn cần cảnh giác trong việc theo dõi những vi phạm có thể xảy ra. Nếu phát hiện có ai đó sử dụng tác phẩm của bạn mà không xin phép, bạn hoàn toàn có quyền khởi kiện và yêu cầu bồi thường.
IV. Một số câu hỏi thường gặp?
1. Thời gian bảo vệ quyền kéo dài bao lâu?
Tại Việt Nam, quyền tác giả thường được bảo vệ trong suốt cuộc đời của tác giả và 50 năm sau khi tác giả qua đời. Đối với các tác phẩm do tổ chức sở hữu, thời gian bảo hộ là 75 năm kể từ ngày công bố.
2. Chi phí đăng ký bảo quyền là bao nhiêu?
Hiện nay, lệ phí đăng kí bản quyền tác giả được quy định chi tiết và cụ thể tại Thông tư 211/2016/TT-BTC quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan đến tác giả:
Tùy theo từng loại hình tác phẩm bảo hộ sẽ có mức thu lệ phí khác nhau:
Đối với tác bài phát biểu, bài nói: mức lệ phí phải tiến hành nộp là 100.000 đồng/hồ sơ đăng ký.
Đối với tác phẩm điện ảnh: mức lệ phí phải tiến hành nộp là 500.000 đồng/hồ sơ đăng ký.
V. Lời kết
Bản quyền là một phần quan trọng trong việc bảo vệ công sức và sáng tạo của bạn. Nếu bạn đang làm việc trong ngành truyền hình hay podcast, hãy cân nhắc việc đăng ký bản quyền ngay từ bây giờ để tránh những rủi ro không đáng có. Trong trường hợp khó khăn hoặc cần giải đáp thắc mắc trong việc đăng ký bản quyền, mọi người có thể liên hệ đến các luật sự tại Legal House để được giải đáp một cách tận tình và hiểu quả nhất.
Minh Châu
CÔNG TY LUẬT TNHH LEGAL HOUSE & PARTNERS
Email: support@legalhouse.vn
Điện thoại: 0918 103 030
Địa chỉ: Số 2 Tôn Đức Thắng, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh