ĐIỂM TIN VĂN BẢN PHÁP LUẬT MỚI VỀ DOANH NGHIỆP

I. MỨC THU LỆ PHÍ DOANH NGHIỆP CÓ SỰ THAY ĐỔI:

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ chính sách thuế, Ngày 05/8/2019, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 47/2019/ TT-BTC quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp với một số nội dung thay đổi như sau:

–          Mức thu lệ phí cấp mới, cấp lại, thay đổi nội dung Giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là 50.000 VND/lần (mức thu hiện hành là 100.000 VND/lần theo Thông tư 130/2017/TT-BTC).

–          Mức thu lệ phí cấp mới, cấp lại, thay đổi nội dung Giấy Chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của Doanh nghiệp là 50.000 VND/lần (giữ nguyên như hiện hành).

Trường hợp Doanh nghiệp đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử sẽ được miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp.

–          Các mức thu phí cung cấp thông tin doanh nghiệp vẫn được giữ nguyên như quy định hiện hành, trừ phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp giảm còn 100.000 VND/lần (mức thu hiện hành là 300.000 VND/lần).

Thông tư 47 sẽ có hiệu lực từ ngày 20 tháng 9 năm 2019. Đồng thời, Thông tư 47 sẽ bãi bỏ hiệu lực của Thông tư số 215/2016/TT-BTC ngày 10 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp và Thông tư số 130/2017/TT-BTC ngày 04 tháng 12 năm 2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 215/2016/TT-BTC ngày 10 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

II. QUY ĐỊNH MỚI VỀ HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA

Ngày 24 tháng 6 năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 55/2019/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nghị định sẽ có hiệu lực từ ngày 16 tháng 08 năm 2019 với một số nội dung như sau:

–          Về thời hạn thực hiện, Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có thời hạn tối đa 05 năm kể từ ngày được phê duyệt.

–          Về nội dung thực hiện, Doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ pháp lý trong các hoạt động như sau:

· Hoạt động cung cấp thông tin pháp luật trong nước, nước ngoài và quốc tế, cảnh báo rủi ro pháp lý và chính sách của ngành, lĩnh vực, địa phương liên quan đến doanh nghiệp nhỏ và vừa (nếu có);

· Hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và cho mạng lưới tư vấn viên pháp luật;

· Hoạt động tư vấn pháp luật, bao gồm đối thoại, giải quyết các vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp và các hoạt động tư vấn pháp luật khác phù hợp với các quy định của pháp luật trên cơ sở nhu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa và nguồn lực của cơ quan nhà nước.

–          Trong trường hợp được cơ quan có thẩm quyền đồng ý thì mức hỗ trợ chi phí tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp được quy định cụ thể như sau:

· Doanh nghiệp siêu nhỏ được hỗ trợ 100% chi phí, nhưng không quá 03 triệu đồng/năm;

· Doanh nghiệp nhỏ được hỗ trợ tối đa 30% chi phí, nhưng không quá 05 triệu đồng/năm;

· Doanh nghiệp vừa được hỗ trợ tối đa 10% chi phí, nhưng không quá 10 triệu đồng/năm.