TỔNG HỢP ĐIỀU KIỆN KHI NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI ĐẦU TƯ VÀO VIỆT NAM

Mặc dù Việt Nam đã cam kết mở cửa thị trường theo các điều ước quốc tế, nhưng vẫn có một số hạn chế đối với nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, điều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đầu tiên khi đầu tư vào Việt Nam là liệu ngành nghề họ định đầu tư có được phép kinh doanh tại Việt Nam không và điều kiện kinh doanh là gì?

1. Các hình thức đầu tư phổ biến tại Việt Nam

Điều 21 Luật Đầu tư 2020 (“LĐT 2020”) quy định 05 hình thức đầu tư tại Việt Nam bao gồm:

(i) Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế;

(ii) Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp;

(iii) Thực hiện dự án đầu tư;

(iv) Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC;

(v) Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.

So với Luật Đầu tư 2014, LĐT 2020 đã bỏ hình thức đầu tư theo hợp đồng PPP. Hình thức đầu tư PPP hiện nay được điều chỉnh bởi Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 để tách bạch hình thức đầu tư theo hợp đồng PPP với các hình thức đầu tư không có sự tham gia của nhà nước.

2. Nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng điều kiện gì khi đầu tư vào Việt Nam

Khi đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, nhìn chung nhà đầu tư nước ngoài (“NĐTNN”) phải đáp ứng 03 nhóm điều kiện sau:

(i) Điều kiện tiếp cận thị trường đối với NĐTNN;

(ii) Điều kiện áp dụng đối với ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện;

(iii) Các điều kiện khác (nếu có).

Lưu ý: Riêng đối với hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế thì NĐTNN phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi thành lập tổ chức kinh tế, trừ trường hợp tại điểm c khoản 1 Điều 22 LĐT 2020.

  • Thứ nhất, điều kiện tiếp cận thị trường đối với NĐTNN[1]:

Nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước, trừ trường hợp đầu tư các ngành, nghề thuộc Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với NĐTNN thì NĐTNN phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với NĐTNN bao gồm:

(i) Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế;

(ii) Hình thức đầu tư;

(iii) Phạm vi hoạt động đầu tư;

(iv) Năng lực của nhà đầu tư; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư;

(v) Điều kiện khác theo quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Danh mục ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với NĐTNN bao gồm: Ngành nghề chưa được tiếp cận thị trường, Ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện và được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo NĐ 31/2021/NĐ-CP.

  • Nguyên tắc áp dụng hạn chế về tiếp cận thị trường đối với NĐTNN[2]:

–  NĐTNN không được đầu tư trong các ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường;

– Đối với các ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện, NĐTNN phải đáp ứng các điều kiện tiếp cận thị trường đối với ngành, nghề đó;

– Đối với các ngành, nghề Việt Nam chưa cam kết về tiếp cận thị trường:

+ Trường hợp pháp luật Việt Nam không có quy định hạn chế tiếp cận thị trường đối với ngành, nghề đó thì NĐTNN được tiếp cận thị trường như NĐT trong nước;

+ Trường hợp pháp luật Việt Nam đã có quy định về hạn chế tiếp cận thị trường của NĐTNN đối với ngành, nghề đó thì áp dụng quy định của pháp luật Việt Nam.

– NĐTNN được lựa chọn áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường của điều ước quốc tế có lợi cho NĐT trong trường hợp NĐT thuộc đối tượng áp dụng của nhiều điều ước quốc tế hoặc khi quy định tại điều ước quốc tế thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật Việt Nam.

Để tìm hiểu điều kiện hạn chế tiếp cận thị trường đối với NĐTNN, tùy trường hợp mà NĐT có thể tham khảo các điều ước quốc tế (như Biểu cam kết WTO, VKFTA, CPTPP…) phù hợp với quốc tịch của từng NĐTNN.

  • Thứ hai, điều kiện áp dụng đối với ngành nghề đầu tư kinh doanh (Điều kiện này được áp dụng đối với cả NĐT trong nước và NĐTNN)

Pháp luật đầu tư quy định ngành nghề mà NĐT (cả NĐT trong nước và NĐTNN) đầu tư không được thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh quy định tại khoản 1 Điều 6 LĐT 2020 và các điều ước quốc tế về đầu tư.

Đối với NĐT thực hiện dự án thuộc ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại Phụ lục IV LĐT 2020, tùy từng trường hợp mà NĐT phải đáp ứng các điều kiện theo pháp luật chuyên ngành trước khi kinh doanh như: Điều kiện về giấy phép kinh doanh (giấy phép con); Điều kiện về giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; Điều kiện về chứng chỉ hành nghề; Điều kiện về vốn pháp định; Điều kiện về văn bản xác nhận, chấp thuận; Và/ hoặc các điều kiện khác nếu có.

  • Thứ ba, các điều kiện khác (nếu có)[3]:

Ngoài 02 nhóm điều kiện nêu trên, NĐTNN khi thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện (nếu có) sau đây:

(i) Sử dụng đất đai, lao động; các nguồn tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản;

(ii) Sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ công hoặc hàng hóa, dịch vụ độc quyền nhà nước;

(iii) Sở hữu, kinh doanh nhà ở, bất động sản;

(iv) Áp dụng các hình thức hỗ trợ, trợ cấp của Nhà nước đối với một số ngành, lĩnh vực hoặc phát triển vùng, địa bàn lãnh thổ;

(v) Tham gia chương trình, kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước;

(vi) Các điều kiện khác theo quy định tại các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế về đầu tư có quy định không cho phép hoặc hạn chế tiếp cận thị trường đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Mai Anh

***

Bài viết này nhằm mục đích cung cấp thông tin và phổ biến quy định pháp luật, không nhằm thay thế cho bất kỳ ý kiến/nhận định pháp lý chuyên sâu nào trong bất kỳ vụ việc cụ thể nào. Trường hợp cần được tư vấn chi tiết hơn về các vấn đề liên quan, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua thông tin bên dưới:

CÔNG TY LUẬT TNHH LEGAL HOUSE & PARTNERS

Email: support@legalhouse.vn

Điện thoại: 0918 103 030

Địa chỉ: Số 2 Tôn Đức Thắng, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

[1] Khoản 3 Điều 9 Luật đầu tư 2020.

[2] Điều 17 NĐ 31/2021/NĐ-CP.

[3] Khoản 3 Điều 15 NĐ 31/2021/NĐ-CP.