GIÁ TRỊ PHÁP LÝ CỦA THỎA THUẬN BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI ẤN ĐỊNH

 Đi cùng với xu hướng phát triển, việc hội nhập các chế định pháp luật mang tính quốc tế không còn quá xa lạ. Trong rất nhiều giao dịch thương mại, các bên đã thỏa thuận áp dụng điều khoản về bồi thường thiệt hại ấn định. “Cơm lành canh ngọt” thì không sao nhưng khi phát sinh tranh chấp, điều khoản này đã làm nảy sinh nhiều khó khăn cho cơ quan xét xử. Đồng thời, trong lĩnh vực nghiên cứu, cũng có rất nhiều quan điểm trái chiều về việc pháp luật Việt Nam có thừa nhận loại thỏa thuận này hay không? Dưới đây là quan điểm của chúng tôi về vấn đề nêu trên.

1. Bồi thường thiệt hại ấn định là gì?

Thỏa thuận bồi thường thiệt hại ấn định/ước tính/dự liệu – Liquidated Damages (Điều khoản “LD”) được hiểu là một loại chế tài mà các bên có thể thỏa thuận áp dụng trong các giao dịch thương mại. Trong đó, các bên dự liệu trước một số tiền bồi thường được cho là thỏa đáng đối với những thiệt hại mà một bên có thể phải chịu nếu bên kia vi phạm hợp đồng. Ví dụ:

“Nếu một bên đơn phương vi phạm bất kỳ nghĩa vụ nào tại hợp đồng này và gây thiệt hại cho bên kia thì phải chịu bồi thường một giá trị thiệt hại ấn định là 10.000.000.000 VNĐ
“Nếu một bên đơn phương vi phạm bất kỳ nghĩa vụ nào tại hợp đồng này và gây thiệt hại cho bên kia thì phải chịu bồi thường một giá trị thiệt hại ấn định là 10% giá trị hợp đồng”

Thông thường, ta hiểu rằng giá trị của thiệt hại chỉ được biết khi đã phát sinh thiệt hại. Ngược lại, điều khoản LD đã thay đổi tính “logic” về thời gian thường thấy khi “cho phép” giá trị của thiệt hại tồn tại trước khi thiệt hại xảy ra. Điều này cũng rất khác biệt với điều khoản phạt vi phạm – PVP trong Luật thương mại khi “giá trị phạt vi phạm” phải phụ thuộc vào “phần nghĩa vụ bị vi phạm”. Rộng hơn, kết quả của việc áp dụng LD có thể đem lại một khoản tiền lớn hơn nhiều cho bên có quyền so với việc áp dụng đồng thời cả bồi thường thiệt hại – BTTH (theo nghĩa thường) và PVP. Ngoài ra, về mục đích thì chế tài LD vừa mang tính chất “khắc phục” của BTTH vừa mang tính chất “răn đe” của PVP. Vì vậy, không khó hiểu khi có quan điểm cho rằng, LD nên được xem là một chế tài độc lập so với BTTH và PVP [1].

Nhưng dù thế nào đi nữa, điều khoản LD đã đem lại một tác dụng rất tích cực cho các bên khi “nhắc nhở” bên còn lại phải thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ đã thỏa thuận nếu không muốn rủi ro phải chịu bồi thường một khoản tiền có thể là rất lớn.

2. Thừa nhận hay không thừa nhận?

a. Trong hệ thống pháp luật Quốc tế

Thỏa thuận về thiệt hại dự liệu được quy định minh thị trong các hiệp định thương mại quốc tế, có thể kể đến như:

  1. Bộ Nguyên tắc Hợp đồng Thương mại Quốc tế (PICC), theo đó tại khoản 1 của Điều 7.4.13 quy định điều khoản bên bị vi phạm sẽ được trả một khoản tiền bồi thường ấn định và bên có quyền sẽ được hưởng khoản tiền này một cách độc lập với thiệt hại thực tế phải gánh chịu. Tuy vậy, khoản tiền bồi thường này có thể được giảm một cách hợp lý nếu nó cao hơn quá mức so với thiệt hại gây ra.
  2. Bộ Nguyên tắc về Luật hợp đồng Châu Âu (PECL), theo đó tại Điều 9:509 quy định khi có hành vi vi phạm xảy ra, bên vi phạm sẽ bồi thường một khoản tiền cụ thể cho bên bị vi phạm, bất kể thiệt hại thực tế có thể xảy ra hay không và khoản tiền cụ thể này có thể bị điều chỉnh để giảm xuống nếu như nó vượt quá mức cần thiết so với thiệt hại được gây ra bởi việc không thực hiện hợp đồng hoặc các hành vi cụ thể khác.
  3. Công ước Viên về mua bán hàng hóa quốc tế năm 1980 (CISG), theo đó Điều 74 quy định tiền bồi thường thiệt hại bao gồm tổn thất và khoản lợi bị bỏ lỡ do hành vi vi phạm của bên kia, giá trị bồi thường không cao hơn tổn thất và số lợi bỏ lỡ mà bên bị vi phạm đã dự liệu hoặc đáng lẽ phải dự liệu lúc ký hợp đồng, có tính đến các tình tiết mà họ phải biết hoặc đáng lẽ phải biết.

Như vậy, rất nhiều văn bản pháp luật mang tính quốc tế đã ghi nhận trực tiếp hiệu lực của bồi thường ấn định dù tên gọi có sự khác nhau. Tại đây, điều khoản LD được xem là một khoản tiền hợp lý theo thỏa thuận của các bên và có giá trị ràng buộc. Các quy định đã dùng những từ ngữ minh thị “khoản bồi thường ấn định … tách biệt với thiệt hại thực tế …”, “khoản tiền cụ thể…, bất kể thiệt hại thực tế có xảy ra hay không”.

b. Trong hệ thống pháp luật Việt Nam

Chế định bồi thường thiệt hại ước tính chưa được quy định chính thức trong BLDS 2015, LTM 2005 lẫn án lệ tại Việt Nam. Theo quy định trong BLDS lẫn LTM, thiệt hại được bồi thường phải là thiệt hại/tổn thất thực tế, trực tiếp và các lợi ích trực tiếp lẽ ra được hưởng nếu không có hành vi vi phạm của một bên. Tuy nhiên, vẫn còn đó một số quy định gây nên tranh cãi về hiệu lực thi hành của loại thỏa thuận này như sau:

  1. Theo BLDS 2015: Tại Điều 360 BLDS 2015 quy định “Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”, việc ghi nhận một hướng mở này có được xem là thỏa thuận LD hay không vẫn rất khó trả lời. Cụm từ “trường hợp có thỏa thuận khác” được hiểu là thỏa thuận trong phạm vi của thiệt hại thực tế (một phần hoặc toàn bộ thiệt hại) hay vượt ra ngoài phạm vi đó? Phải nói rằng chưa có đủ cơ sở để kết luận Điều 360 BLDS 2015 cho phép các bên thỏa thuận trước thiệt hại khi đối chiếu nó với ngôn ngữ lập pháp có tính chất “đích danh” và “rõ ràng” được sử dụng tại các điều khoản về LD tương tự trong các quy định pháp luật quốc tế nêu tại phần trên.
  2. Theo LTM 2005: Cũng tương tự BLDS 2015, không có một quy định cụ thể nào về điều khoản LD trong LTM 2005. Tuy nhiên, tại khoản 7 Điều 292 LTM 2005 quy định về các loại chế tài trong thương mại thì biện pháp khác do các bên thỏa thuận không được trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tại một số hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết có quy định về chế tại này. Do đó, một số quan điểm cho rằng điều khoản LD có thể được xem là chế tài khác theo quy định vừa viện dẫn của LTM.

Ngoài ra, theo Điều 8 Thông tư 14/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao Thông Vận Tải đã quy định về việc “Bồi thường ứng trước không hoàn lại là việc bồi thường bằng tiền hoặc các hình thức phù hợp khác mà đơn vị vận chuyển trả cho hành khách theo quy định của pháp luật, không phụ thuộc vào thiệt hại thực tế của hành khách”. [2] Đây có thể xem là một quy định về LD nhưng chỉ được áp dụng cho quan hệ đặc thù vận chuyển hành khách bằng đường hàng không.

Nhìn chung, ngoài quy định đặc thù của ngành hàng không vừa viện dẫn thì vẫn chưa thấy được dấu hiệu tồn tại minh thị của thỏa thuận bồi thường thiệt hại ước tính trong các quy định của BLDS và LTM Việt Nam.

c. Thừa nhận đến đâu?

Các quy định về LD trong các quy định quốc tế vừa viện dẫn mặc dù công nhận thiệt hại ấn định nhưng vẫn đặt vào đó một “nút vặn xoay” để điều chỉnh trong việc áp dụng. Các thiệt hại được bồi thường có thể được giảm xuống nếu khoản tiền trong thỏa thuận LD bị xem là bất hợp lý, vượt xa mức cần thiết của thiệt hại thực tế. Điều này có nghĩa, các cơ quan tài phán khi giải quyết tranh chấp về LD vẫn sẽ phải thực hiện “thao tác” xác định thiệt hại thực tế để có cơ sở đối chiếu với thiệt hại mà các bên đã dự liệu.

Như vậy, khi phát sinh quyền áp dụng LD, không có nghĩa rằng bất cứ một giá trị thanh toán nào mà các bên đã thỏa thuận sẽ có giá trị buộc bên còn lại phải thực hiện. Điều này vừa giúp điều khoản LD đảm bảo được mục đích “răn đe” và “khắc phục” khi áp dụng vừa đồng thời ngăn chặn một bên trục lợi quá đáng đối với bên còn lại khiến cho mục đích LD bị “biến chất”.

3. Thực tế thế nào?

Thực tiễn xét xử, trong quá trình giải quyết tranh chấp giữa các bên liên quan đến điều khoản LD, Tòa án Việt Nam đã rất dứt khoát trong việc không thừa nhận giá trị của loại thỏa thuận này. Khảo sát một số bản án/quyết định có hiệu lực thi hành, đối với các yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại ước tính, Hội đồng xét xử thường có những nhận định sau [3]:

  • Khoản tiền bồi thường ấn định là không có căn cứ, cần dựa trên thiệt hại thực tế và trực tiếp theo quy định LTM;
  • Mức bồi thường chỉ được xác định sau khi có vi phạm và là các thiệt hại thực tế và trực tiếp (thời gian tuyến tính từ hành vi vi phạm, thiệt hại và giá trị thiệt hại).

Trong các vụ việc, các Tòa án đã không công nhận thỏa thuận ấn định một khoản tiền bồi thường của các bên. Thay vào đó, Tòa án sẽ làm rõ điều khoản mà các bên đang thỏa thuận thực chất là điều khoản phạt vi phạm hay bồi thường thiệt hại dựa trên quy định có sẵn của BLDS 2015 và LTM 2005 để theo đó xác định lại số tiền mà bên vi phạm phải thanh toán.

4. Cần hay không cần?

Câu hỏi đặt ra, Việt Nam liệu có cần phải nội luật hóa điều khoản LD? Bài viết này sẽ không trực tiếp trả lời câu hỏi trên vì đến nay đã có rất nhiều quan điểm và đề xuất nên áp dụng như thế nào, áp dụng ra sao và các tác giả rất đồng tình với các lập luận và đề xuất đó. Tuy nhiên, trước khi áp dụng, ta cần đặt ra nhiều câu hỏi như: “Việc nội luật hóa LD sẽ đem lại tác dụng tích cực gì cho các bên và rộng hơn là cho nền thương mại Việt Nam?”, “Các chế định về BTTH và PVP hiện hành đã đủ để xử lý hành vi vi phạm hợp đồng hay chưa?”, “Có cần bổ sung thêm LD để các bên có nhiều lựa chọn nữa không khi có thể áp dụng đồng thời cả BTTH và PVP?”, “Áp dụng ở mực độ và phạm vi thế nào?”, “Việc áp dụng của các cơ quan tài phán khi giải quyết tranh chấp có thuận lợi hay không?” … có như vậy thì việc áp dụng LD sẽ hiệu quả và toàn vẹn hơn. Dĩ nhiên, khuôn khổ bài viết chắc chắn sẽ không đủ để nói lên toàn bộ các vấn đề vì việc ghi nhận một chế định mới vào hệ thống pháp luật quốc gia cần rất nhiều thời gian để đánh giá.

Lời kết, dựa trên cơ sở phân tích và các vụ việc vừa nêu, điều khoản LD vẫn chưa tìm được một “chốn dung thân” chính thức trong hệ thống pháp luật thương mại/dân sự Việt Nam. Đồng thời, thực tiễn xét xử cũng cho thấy Tòa án vẫn chưa chấp nhận các điều khoản LD mà thay vào đó xem thỏa thuận này là BTTH hoặc PVP theo cách hiểu “thông thường” để xác định nghĩa vụ tài chính của bên vi phạm. Đây là điều mà các doanh nghiệp cần lưu ý trong các thỏa thuận của mình để tránh những tranh cãi phát sinh làm kéo dài thời gian giải quyết tranh chấp.

Đỗ Hoàng Phương Thy – Hoàng Võ Minh Tuấn

Nguồn tham khảo:

  1. “…Như vậy, nhóm tác giả cho rằng việc xếp thỏa thuận BTTHAD vào chế định bồi thường thiệt hại hay chế định phạt vi phạm theo quy định của pháp luật Việt Nam đều mang tính khiên cưỡng, chưa phản ánh đúng bản chất của BTTHAD…” theo Nguyễn Quốc Bảo và Nguyễn Thị Tú Uyên – Bồi thường thiệt hại ấn định theo quy định của pháp luật Việt Nam (Phần 1) https://kienthucphaply.com/boi-thuong-thiet-hai-an-dinh-theo-quy-dinh-cua-phap-luat-viet-nam-phan-1/
  2. Ls Trương Nhật Quang – Hiệu lực của thỏa thuận bồi thường thiệt hại ước tính http://www.lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210741;
  3. Bản án số 08/2017/KDTM-PT ngày 08/12/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh; Quyết định giám đốc thẩm số 10/2020/KDTM-GDT của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

***

Bài viết này nhằm mục đích cung cấp thông tin và phổ biến quy định pháp luật, không nhằm thay thế cho bất kỳ ý kiến/nhận định pháp lý chuyên sâu nào trong bất kỳ vụ việc cụ thể nào. Trường hợp cần được tư vấn chi tiết hơn về các vấn đề liên quan, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua thông tin bên dưới:

CÔNG TY LUẬT TNHH MTV SÁCH VÀNG VN

Email: support@legalhouse.vn

Điện thoại: 0918103030

Địa chỉ: Số 2 Tôn Đức Thắng, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh