QUY TRÌNH ÁP DỤNG BIỆN PHÁP KHẨN CẤP TẠM THỜI TRONG VỤ ÁN DÂN SỰ

Biện pháp khẩn cấp tạm thời là việc toà án quyết định áp dụng trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự nhằm giải quyết nhu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ bằng chứng, bảo toàn tài sản tránh gây thiệt hại hoặc bảo đảm việc thi hành án. Theo Bộ luật tố tụng dân sự 2015 (“BLTTDS 2015”), để yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cần thực hiện quy trình như sau:

Trường hợp 1: Nộp đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cùng với đơn khởi kiện.

  • Bước 1: Đương sự nộp đơn khởi kiện cùng với đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đến Tòa án có thẩm quyền (khoản 2 Điều 111 BLTTDS 2015).
  • Bước 2: Đương sự thực hiện biện pháp bảo đảm theo quy định tại Điều 136 BLTTDS 2015 và không được quá 48 giờ, kể từ thời điểm nộp đơn yêu cầu.
  • Bước 3: Trong thời hạn 48 giờ kể từ thời điểm nhận được đơn yêu cầu, Thẩm phán xem xét và ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; nếu không chấp nhận yêu cầu thì Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người yêu cầu biết (khoản 3 Điều 133 BLTTDS 2015).

Trường hợp 2: Nộp đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi mở phiên Tòa.

  • Bước 1: Đương sự nộp đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời sau khi Tòa án thụ lý đơn khởi kiện và trước khi mở phiên Tòa để Thẩm phán được phân công xem xét, giải quyết (khoản 1 Điều 11 BLTTDS 2015).
  • Bước 2: Trong thời hạn 3 ngày, tùy vào từng trường hợp Toà án yêu cầu đương sự nộp chứng cứ đã thực hiện biện pháp bảm đảm cho Tòa án (điểm a khoản 2 Điều 133 BLTTDS 2015).
  • Bước 3: Thẩm phán ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp hoặc trả lại đơn yêu cầu và phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do.

Trường hợp 3: Nộp đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cho Hội đồng xét xử.

  • Bước 1: Đương sự nộp đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cho Hội đồng xét xử tại phiên Tòa.
  • Bước 2: Hội đồng xét xử xem xét, thảo luận và giải quyết tại phòng xử án.
  • Bước 3: Hội đồng xét ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngay hoặc sau khi người yêu cầu đã thực hiện xong biện pháp bảo đảm. Nếu không chấp nhận yêu cầu thì Hội đồng xét xử phải thông báo ngay tại phòng xử án và ghi vào biên bản phiên tòa (điểm b khoản 2 Điều 133 BLTTDS 2015).

Lưu ý:

  • Việc thực hiện biện pháp bảo đảm theo khoản 1 Điều 136 BLTTDS 2015 được dự kiến và tạm tính có tính chất tương đối với thiệt hại thực tế có thể xảy ra nhưng không thấp hơn 20% giá trị tạm tính của tài sản bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, trừ trường hợp có chứng cứ rõ ràng chứng minh tổn thất hoặc thiệt hại thấp hơn 20% giá trị tạm tính của tài sản bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. (Căn cứ Điều 13 Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐTP).
  • Trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “Phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước; phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ” (khoản 10 Điều 114 của BLTTDS 2015) và biện pháp “Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ” (khoản 11 Điều 114 của BLTTDS 2015) thì chỉ được phong tỏa tài khoản, tài sản có giá trị tương đương với nghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nghĩa vụ phải thực hiện (căn cứ khoản 4 Điều 133 BLTTDS 2015).

Xuất phát từ nhu cầu của mỗi bên và tính khẩn cấp sự việc, việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là hoàn toàn cần thiết và chính đáng nhằm hạn chế bên có nghĩa vụ thực hiện những hành vi như tẩu tán tài sản hay lẩn trốn sang nước ngoài. Tuy nhiên, đương sự cần lưu ý phải đưa ra được những chứng cứ xác đáng để chứng minh cho  yêu cầu của mình là cần thiết và hợp pháp theo quy định pháp luật.

Phương Thy

***

Bài viết này nhằm mục đích cung cấp thông tin và phổ biến quy định pháp luật, không nhằm thay thế cho bất kỳ ý kiến/nhận định pháp lý chuyên sâu nào trong bất kỳ vụ việc cụ thể nào. Trường hợp cần được tư vấn chi tiết hơn về các vấn đề liên quan, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua thông tin bên dưới:

CÔNG TY LUẬT TNHH LEGAL HOUSE & PARTNERS                     

Email: support@legalhouse.vn

Điện thoại: 0918103030

Địa chỉ: Số 2 Tôn Đức Thắng, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh