VỀ TÌNH TIẾT CÓ TÍNH CHẤT CÔN ĐỒ TRONG TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Hiện nay, trong nhiều vụ án liên quan đến tội cố ý gây thương tích, các cơ quan có thẩm quyền tố tụng đã áp dụng tình tiết định khung tăng nặng “có tính chất côn đồ” trong quá trình truy tố, xét xử. Rất nhiều tình huống diễn ra cho thấy việc áp dụng hay không áp dụng tình tiết này có ý nghĩa quan trọng trong việc lượng hình đối với bị cáo. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều quan điểm và góc nhìn khác nhau, từ đó dẫn đến sự lúng túng khi áp dụng tình tiết này trên thực tế.

1. Quy định pháp luật

Chúng ta đều biết rằng, hiện nay chưa có hướng dẫn chi tiết về cách hiểu và áp dụng đối với tình tiết định khung tăng nặng “có tính chất côn đồ” trong tội cố ý gây thương tích tại Điều 134 Bộ luật hình sự 2015. Tuy nhiên, khảo sát ở một phạm vi rộng hơn, khái niệm “có tính chất côn đồ” đã được giải thích tại một số văn bản pháp lý sau đây:

  • Tại Công văn số 38/NCPL ngày 06 tháng 01 năm 1976 và tại Hội nghị tổng kết công tác ngành TAND năm 1995, Tòa án nhân dân tối cao đã có định nghĩa về “côn đồ” và các mô tả về “hành vi mang tính côn đồ” như sau:

         “Khái niệm côn đồ được hiểu là hành động của những tên coi thường pháp luật, luôn luôn phá rối trật tự trị an, sẵn sàng dùng vũ lực và thích (hay) dùng vũ lực để uy hiếp người khác phải khuất phục mình, vô cớ hoặc chỉ vì một duyên cớ nhỏ nhặt là đâm chém, thậm chí giết người.

            Hành động của chúng thường là xâm phạm sức khỏe, tính mạng, danh dự người khác, gây gổ hành hung người khác một cách rất vô cớ hoặc vì một duyên cớ nhỏ nhặt, ví dụ như đi xe đạp, xe máy va quệt vào người khác, có khi chính mình có lỗi nhưng đã kiếm cớ để đánh hoặc giết người ta, mặc dù có thể người kia cũng có lỗi nhỏ. Những kẻ đâm thuê chém mướn phải coi là biểu hiện tính côn đồ”.

  • Án lệ số 17/2018/AL được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thông qua ngày 17 tháng 10 năm 2018 và được công bố theo Quyết định số 269/QĐ-CA ngày 06 tháng 11 năm 2018 của Chánh án TAND Tối cao cũng đã có hướng dẫn xử lý tội giết người có tính chất côn đồ như sau:

         “Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt trong sinh hoạt với nhau mà tội phạm đã dùng mã tấu chém nhiều nhát vào những vùng trọng yếu trên cơ thể nạn nhân”.

Dựa theo các quy định trên, tạm rút ra được một số đặc điểm về hành vi “có tính chất côn đồ” như sau:

(i) Về chủ thể, đây phải là người thường xuyên và hay có những hành động coi thường pháp luật, gây rối trật tự trị an;

(ii) Về hành vi, các chủ thể này đã có hành vi gây tổn hại đến sức khỏe của người khác mà không thuộc các trường hợp phòng vệ chính đáng hay trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Đồng thời, các chủ thể đã cố ý dùng các thủ đoạn mang tính nguy hiểm cao độ như đâm, chém vào các vùng nguy hiểm của nạn nhân.

Tuy nhiên, dựa vào các hướng dẫn nêu trên để áp dụng tình tiết về hành vi “có tính chất côn đồ” thì lại rất khó khi công văn hướng dẫn thì đã cũ và hướng đến định nghĩa về các đối tượng “côn đồ” trong khi án lệ số 17 lại là hướng dẫn áp dụng cho tội giết người.

2. Thực tiễn xét xử

Chính vì chưa có giải thích chi tiết nên hiện nay, việc quyết định một hành vi phạm tội “có tính chất côn đồ” hay không hoàn toàn phụ thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện phạm tội riêng trong từng vụ việc cụ thể. Từ đó dẫn đến việc Tòa án đã cho ra các kết quả lượng hình khác nhau trong các vụ việc mà dưới đây là một số ví dụ (thông tin về nhân thân đã được thay đổi):

    Vụ việc thứ nhất: ông Thìn và ông Phước cùng đi mô tô qua nhà ông Linh ăn tiệc. Đến nơi thì có chiếc xe mô tô khác dựng chắn đường đi. Trong nhà có ông Cam, ông Linh và ông Lời đang ngồi nhậu. Ông Phước xuống xe nói “Anh Chín cho em hỏi xe của ai đẩy cho em vô”. Cam trả lời “Không phải xe của tôi” thì ông Thìn nói “Dời xe cho vô nhà được không”. Ông Cam cho rằng ông Thìn có thái độ thách thức, khiêu khích nên lao vào người ông Thìn, dùng tay đánh Thìn nhưng Thìn né tránh được. Cam tiếp tục lấy con dao bầu, dài khoảng 30 cm lao vào chém ông Thìn nhưng ông Thìn bỏ chạy, ông Phước đứng gần đó nên Cam dùng dao đâm vào người ông Phước gây thương tích. Cam tiếp tục chém nhiều lần vào người ông Phước đến khi bị ông Phước khống chế và mọi người can ngăn. Kết quả, ông Phước bị thương với tổng tỉ lệ thương tích là 3%. Tòa án đã tuyên xử bị cáo Cam phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm a, i khoản 1 Điều 134 BLHS 2015 và xử phạt 06 tháng tù.

    Vụ việc thứ hai: Khoảng 05 giờ, Hoàng Văn B và anh Dương Văn S cùng một số người khác đến làm việc tại xưởng bóc gỗ của anh Trần Văn H. Quá trình làm việc B có cắt một cây Keo chuyển cho anh S bóc vỏ nhưng anh S không bóc được nên anh S nói “mấy ông kia chơi mình hay sao ấy” ý nói anh B gây khó dễ cho mình nhưng B không nói gì. Đến khoảng 07 giờ cùng ngày, khi đang cùng ngồi ăn sáng tại xưởng, B hỏi anh S “mày bảo tao chơi mày kiểu gì” anh S nói “em bảo anh cái gì đâu”, B nói tiếp “mày có đố tao cho mày cái bát vào mặt không”, anh S chưa kịp phản ứng gì thì B đứng dậy cầm bát phở đang ăn hất vào mặt anh S, ngay sau đó B cầm chiếc ấm pha chè bằng sứ đặt trên bàn ném vào vùng thái dương trái của anh S làm anh S bị thương với tỷ lệ là 27%. Tòa án đã áp dụng điểm đ, khoản 2 Điều 134; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 65 BLHS 2015 xử phạt Hoàng Văn B 30 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 60 tháng về tội “cố ý gây thương tích”.

So sánh 02 vụ việc, ta thấy hậu quả của hành vi gây thương tích lại tỉ lệ nghịch với hình phạt được áp dụng. Trong vụ việc thứ nhất, bị cáo bị xử phạt 06 tháng tù cho việc gây thương tích 03% còn trong vụ việc thứ hai, bị cáo được hưởng án treo khi gây nên mức thương tật đến 27%. Căn cứ dựa trên mức độ thương tật và hình phạt bị áp dụng, thấy rằng dường như chưa có được sự đánh giá một cách công bằng đối với hành vi của bị cáo Cam so với hành vi của bị cáo B.

Đặt trong tương quan hoàn cảnh gây án, rõ ràng bị cáo B hoàn toàn tỉnh táo (vào sáng sớm) và đã có thời gian suy nghĩ cẩn trọng trước khi hành động (2 giờ đồng hồ). Đồng thời thủ đoạn gây án của bị cáo B mang tính dứt khoát và có chủ đích rõ ràng hơn bị cáo Cam khi đã dùng vật cứng để tác động vào vùng đầu của bị hại. Ở trường hợp bị cáo Cam, mặc dù hành vi của bị cáo đã gây ra thương tích nhưng có đến mức để bị xem là “có tính chất côn đồ” hay không cần phải được xem xét lại. Ngay từ đầu, bị cáo đã không có chủ ý tấn công bị hại và nếu đã có chủ đích và hành vi côn đồ nguy hiểm thì bị cáo không thể nào dễ dàng “bị ông Phước (bị hại) khống chế và mọi người can ngăn”.

Hai ví dụ trên cho thấy rằng, việc áp dụng tình tiết định khung tăng nặng “có tính chất côn đồ” vẫn chỉ dựa vào quan điểm “cá nhân” và mang nhiều sự “định tính” của từng Hội đồng xét xử. Điều này dẫn đến việc thiếu nhất quán trong cách áp dụng và kết quả là đã đưa ra các bản án mà dường như chưa có được sự công bằng cho từng bị cáo.

3. Một số vấn đề khác

Ngoài các vấn đề nêu trên, việc áp dụng hay không áp dụng tình tiết “có yếu tố côn đồ” có ảnh hưởng quan trọng trong việc bị cáo có được hưởng án treo hay không.

    Theo quy định tại Điều 65 BLHS 2015 và Khoản 1 Điều 3 Nghị quyết 02/2018 hướng dẫn Điều 65 BLHS 2015 về án treo quy định những trường hợp sau đây không được hưởng án treo:

         “1. Người phạm tội là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tính chất chuyên nghiệp, lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. …”

Vấn đề được đặt ra là “côn đồ” được hiểu là các đối tượng “côn đồ” hay hành vi có tính chất “côn đồ”? Câu trả lời hiện vẫn đang bỏ ngõ. Căn cứ vào quy định nêu trên, khi hành vi của bị cáo bị Hội đồng xét xử xác định là “côn đồ” thì bị cáo có thể sẽ không được hưởng án treo. Người viết cho rằng quy định hạn chế các trường hợp được hưởng án treo như trên là hợp lý. Bởi lẽ các trường hợp được liệt kê nói chung và tình tiết “côn đồ” đều mang tính “nghiêm trọng”, “tăng nặng” trách nhiệm hình sự, cần tước bỏ khả năng được hưởng án treo của người phạm tội để đáp ứng tính răn đe của hình phạt.
 
Tuy nhiên, khi chưa có định nghĩa rõ ràng và tách bạch về tình tiết “có tính chất côn đồ” và “côn đồ” đối với tội cố ý gây thương tích, một số trường hợp như vụ việc thứ nhất của bị cáo Cam sẽ xảy ra. Tôi cho rằng, bị cáo chỉ nên bị áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo như đối với bị cáo B ở vụ việc thứ hai.

4. Tạm kết

Hiện nay, đã có rất nhiều ý kiến đề xuất nên sớm có hướng dẫn cụ thể về tình tiết có tính chất côn đồ trong tội cố ý gây thương tích nhưng vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy một chỉ dẫn như vậy sẽ được ban hành. Vì thế, để xác định được hành vi của bị cáo là “có tính chất côn đồ” hay không, tôi cho rằng các cơ quan có thẩm quyền tố tụng cần đánh giá thật cẩn trọng hành vi của bị cáo dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau như nhân thân, hoàn cảnh và điều kiện phạm tội, động cơ và thủ đoạn gây án, … Có nghĩa phải đảm bảo kết luận đưa ra là một kết luận “toàn vẹn” và thấu đáo.
 
Ngoài ra, trong một số trường hợp, để làm rõ mức độ hành vi và thủ đoạn gây án của các bị cáo, cần phải yêu cầu cơ quan điều tra thực nghiệm hiện trường theo quy định tại Điều 204 Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Có như vậy, hình phạt được đưa ra mới đảm bảo được tính nghiêm minh và thể hiện được sự công bằng của pháp luật.

 

Hoàng Võ Minh Tuấn

***

Bài viết này nhằm mục đích cung cấp thông tin và phổ biến quy định pháp luật, không nhằm thay thế cho bất kỳ ý kiến/nhận định pháp lý chuyên sâu nào trong bất kỳ vụ việc cụ thể nào. Trường hợp cần được tư vấn chi tiết hơn về các vấn đề liên quan, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua thông tin bên dưới:

CÔNG TY LUẬT TNHH LEGAL HOUSE & PARTNERS

Email: support@legalhouse.vn

Điện thoại: 0918 103 030

Địa chỉ: Số 2 Tôn Đức Thắng, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh