Tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một trong những loại tranh chấp dân sự phổ biến nhất hiện nay. Vậy bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là gì? Những thiệt hại nào sẽ được bồi thường? Đây là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm khi rơi vào trường hợp này.
Nguồn: Internet
Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là việc bên bị thiệt hại yêu cầu bên gây thiệt hại bồi thường cho những thiệt hại phát sinh giữa các chủ thể không ký kết hợp đồng hoặc có ký kết hợp đồng nhưng thiệt hại xảy ra không liên quan đến nội dung hợp đồng.
1. TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG PHÁT SINH KHI NÀO?
Theo Điều 584 BLDS 2015 thì có 3 điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, bao gồm:
- Có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác;
- Có thiệt hại xảy ra (bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần);
- Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi xâm phạm.
Lưu ý: Thiệt hại phát sinh do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại thì không phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
2. NHỮNG LOẠI THIỆT HẠI NÀO SẼ ĐƯỢC BỒI THƯỜNG?
Thiệt hại ở đây không chỉ là những tổn thất vật chất thực tế có thể xác định được mà còn bao gồm cả tổn thất về tinh thần mà chủ thể bị xâm phạm hoặc người thân thích của họ phải chịu, bao gồm:
3. THỜI HIỆU KHỞI KIỆN
Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Ví dụ: Ngày 02/7/2022, A phát hiện cá trong ao nhà mình bị chết hàng loạt. A nghi ngờ nguyên nhân là do nguồn nước thải từ nhà B nên A yêu cầu cơ quan giám định về môi trường tiến hành giám định nguyên nhân. Ngày 15/8/2022, A nhận được kết quả giám định về nguyên nhân gây ra thiệt hại chính là do nguồn nước thải từ nhà B. Trường hợp này, thời điểm A biết quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm là ngày 15/8/2022.[1]
4. NGUYÊN TẮC BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG
- Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời.
Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
- Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
- Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
- Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.
Mai Anh
***
Bài viết này nhằm mục đích cung cấp thông tin và phổ biến quy định pháp luật, không nhằm thay thế cho bất kỳ ý kiến/nhận định pháp lý chuyên sâu nào trong bất kỳ vụ việc cụ thể nào. Trường hợp cần được tư vấn chi tiết hơn về các vấn đề liên quan, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua thông tin bên dưới:
CÔNG TY LUẬT TNHH MTV SÁCH VÀNG VN
Email: support@legalhouse.vn
Điện thoại: 0918103030
Địa chỉ: Số 2 Tôn Đức Thắng, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
[1] Khoản 2 Điều 5 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP