NGƯỜI LAO ĐỘNG TỰ Ý NGHỈ THÊM SAU TẾT CÓ THỂ BỊ SA THẢI

Nhiều người lao động muốn có thời gian dài hơn để ở bên gia đình trong dịp Tết Âm lịch nên đã tự ý nghỉ thêm vài ngày ngoài thời gian nghỉ tết theo quy định của công ty. Tuy nhiên, để tránh việc bị công ty sa thải, người lao động cần tìm hiểu kỹ về quy định liên quan đến vấn đề này.

1. Pháp luật quy định như thế nào đối với người lao động tự ý nghỉ việc?

Pháp luật lao động có quy định về quyền của người sử dụng lao động trong trường hợp người lao động (NLĐ) tự ý nghỉ việc tại Điều 36 và Điều 125 Bộ luật lao động 2019 (BLLĐ 2019) như sau:

Điều 36. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động

1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp sau đây:

e) Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên;

Điều 125. Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải

Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong trường hợp sau đây:

4. Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng.

Trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm thiên tai, hỏa hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.”

Như vậy, NLĐ tự ý nghỉ thêm sau Tết mà không có sự đồng ý của công ty thì có thể rơi vào 02 trường hợp:

  • Trường hợp 1: NLĐ tự ý nghỉ việc từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên mà không có sự đồng ý từ công ty thì công ty có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với NLĐ mà không cần thông báo trước (khoản 3 Điều 36 BLLĐ 2019).
  • Trường hợp 2: NLĐ không tự ý nghỉ liên tục nhiều ngày nhưng thời gian nghỉ cộng dồn lại đủ 05 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có những có lý do chính đáng tại khoản 4 Điều 125 BLLĐ 2019 thì vẫn có thể bị công ty áp dụng hình thức kỷ luật sa thải.

2. Quy trình xử lý kỷ luật NLĐ bằng hình thức sa thải

Trường hợp NLĐ bị công ty sa thải với lý do tự ý nghỉ việc, NLĐ cần đảm bảo công ty tuân thủ đúng quy trình và quy định của pháp luật trong việc áp dụng hình thức sa thải để bảo vệ quyền lợi của mình.

Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật sa thải được quy định tại Điều 70 Nghị định 145/2020/NĐ-CP gồm 3 bước như sau:

Bước 1: Xác nhận hành vi vi phạm kỷ luật lao động

Bước 2: Tổ chức cuộc họp xử lý kỷ luật NLĐ

Bước 3: Ban hành quyết định xử lý kỷ luật

Để hiểu rõ quy định về hình thức kỷ luật sa thải, các bạn có thể tham khảo tại đây.

Trên đây là một số quy định mà người lao động cần biết khi đối mặt với việc bị sa thải do nghỉ thêm sau Tết mà không có sự đồng ý từ công ty. Ngoài những trường hợp trên, khi bị công ty chấm dứt hợp đồng lao động/sa thải trái quy định pháp luật, người lao động có thể tham khảo thêm bài viết sau để hiểu về cách bảo vệ quyền lợi của mình.

Mai Anh

***

Bài viết này nhằm mục đích cung cấp thông tin và phổ biến quy định pháp luật, không nhằm thay thế cho bất kỳ ý kiến/nhận định pháp lý chuyên sâu nào trong bất kỳ vụ việc cụ thể nào. Trường hợp cần được tư vấn chi tiết hơn về các vấn đề liên quan, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua thông tin bên dưới:

CÔNG TY LUẬT TNHH MTV SÁCH VÀNG VN

Email: support@legalhouse.vn

Điện thoại: 0918103030

Địa chỉ: Số 2 Tôn Đức Thắng, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh