MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ CHIA THỪA KẾ KHÔNG PHỤ THUỘC DI CHÚC

Trong chế định về thừa kế, quy định “con thành niên mà không có khả năng lao động” được coi là một trong những đối tượng được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào di chúc theo Bộ luật Dân sự 2015 (“BLDS”). Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn trực tiếp áp dụng quy phạm trên dẫn đến nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc xác định khái niệm. Bài viết dưới đây sẽ cho bạn một góc nhìn pháp lý về vấn đề trên.

1. Pháp luật quy định thế nào?

Tại Khoản 1 Điều 644 BLDS 2015 quy định: “Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó: Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; Con thành niên mà không có khả năng lao động”.

Quy định tại khoản 1 Điều 644 BLDS 2015 cho thấy pháp luật đã dự liệu một số trường hợp để bảo vệ nhóm người có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trong quan hệ hôn nhân và gia đình, đây đều là những người có mối quan hệ thân thiết, gần gũi nhất với người để lại di sản. Vì vậy, nếu người lập di chúc bởi một lý do nào đó không để lại tài sản hoặc để lại tài sản ít hơn những gì mà người thân của mình đáng được nhận thì pháp luật sẽ ấn định cho những người có quan hệ gần gũi luôn được hưởng một phần di sản từ khối di sản của người đó để lại. Đây chính là phần di sản thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc.

Theo đó, để xác định được đối tượng trong quy phạm pháp luật trên cần làm rõ 02 vấn đề sau: (i) Người thành niên và (ii) Người không có có khả năng lao động.

Thứ nhất, về người thành niên:

Căn cứ Điều 20 BLDS 2015 thì người thành niên là người từ đủ 18 tuổi trở lên; người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, (trừ trường hợp người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; người hạn chế năng lực hành vi dân sự).

Thứ hai, về người không có khả năng lao động:

Thuật ngữ “khả năng lao động” được nhắc đến trong các quy định của cả BLDS và Bộ luật lao động (“BLLĐ”), tuy nhiên đến nay vẫn chưa có bất kì giải thích cụ thể nào về khái niệm trên. Do đó, theo quy định tại Điều 6 BLDS 2015 về áp dụng tương tự pháp luật, có thể nhận định khái niệm này như sau:

Tại mục 1.4 Nghị quyết số 03/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng quy định “Trong trường hợp sau khi điều trị, người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc (người bị thiệt hại không còn khả năng lao động do bị liệt cột sống, mù hai mắt, liệt hai chi, bị tâm thần nặng và các trường hợp khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên) thì phải bồi thường chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.”

Về bản chất, cụm từ “mất khả năng lao động” hay “không có khả năng lao động” đều đưa đến hậu quả là chủ thể đó sẽ không tồn tại khả năng lao động. Do vậy, nếu căn cứ vào Nghị quyết số 03/2006/NQHĐTP, để được xác định là “người không có khả năng lao động” thì họ phải rơi vào các trường hợp bị: Liệt cột sống, mù hai mắt, liệt hai chi, bị tâm thần nặng và các trường hợp khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên.

Ngoài ra, theo điểm e khoản 1 Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điểm của Luật thuế thu nhập cá nhân, có quy định về khái niệm “người khuyết tật không có khả năng lao động” khi xét giảm trừ gia cảnh về thuế thu nhập như sau: “Người khuyết tật, không có khả năng lao động theo hướng dẫn tại tiết đ.1.1, điểm đ, khoản 1, Điều này là những người thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật về người khuyết tật, người mắc bệnh không có khả năng lao động (như bệnh AIDS, ung thư, suy thận mãn,…)”.

Căn cứ theo Thông tư số 111/2013/TT-BTC, nếu người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn [1] mà mắc một số bệnh mà dẫn đến không có khả năng lao động như: AIDS, ung thư, suy thận mãn… thì được xem là người không có khả năng lao động.

Từ các cơ sở nêu trên, có thể xác định đối tượng “con thành niên mà không có khả năng lao động” là:

(i) Con đủ 18 tuổi trở lên bị liệt cột sống, mù hai mắt, liệt hai chi, bị tâm thần nặng và các trường hợp khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên;

(ii) Con đủ 18 tuổi trở lên là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn mà mắc một số bệnh mà dẫn đến không có khả năng lao động như: AIDS, ung thư, suy thận mãn…

2. Vận dụng pháp luật trên thực tiễn

Trong thời đại ngày nay, khả năng lao động của một người không chỉ giới hạn ở chân tay mà còn có thể là hoạt động trí tuệ. Theo từ điển Tiếng Việt, khả năng lao động là khả năng có thể tạo ra giá trị của cải, vật chất và tinh thần nhằm đáp ứng nhu cầu nuôi sống bản thân và tạo ra các giá trị xã hội. Từ quan điểm này, có thể thấy hiện nay nhiều người dù khiếm thị, tàn tật vẫn có khả năng tạo ra tài sản, giá trị cho bản thân hay xã hội.

Ngoài ra, nếu theo Bộ luật Lao động quy định về điều kiện sử dụng lao động thì độ tuổi người lao động được giới hạn đối với nữ là 60 tuổi vào năm 2035 và nam là đủ 62 tuổi vào năm 2028 [2]. Như vậy, nếu người ngoài độ tuổi này có được xác định là người không có khả năng lao động hay không? Dựa vào quy chuẩn và chừng mực như thế nào? Mặc dù các câu hỏi vẫn còn bị bỏ ngõ nhưng đã dẫn đến một quan điểm khác cho rằng con thành niên quá độ tuổi lao động cũng được xem là đối tượng hưởng thừa kế không phụ thuộc vào di chúc.

Lời kết, trên thực tế để đánh giá một người không có khả năng lao động là rất khó. Một người thành niên có thể có khả năng lao động hay không còn tùy thuộc vào suy giảm thương tích, bệnh, tật, hoặc do tuổi đã cao. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một chuẩn mực nhất định nào được luật pháp quy định mà chỉ dựa vào sự viện dẫn tương tự pháp luật hay nhận thức chủ quan của người áp dụng pháp luật. Cũng vì vậy, để pháp luật được thực thi thống nhất, tránh kéo dài thời gian,… tác giả cho rằng việc đưa ra một chuẩn mực nhất định đối với cá thể được xem là người thành niên không có khả năng lao động là điều vô cùng cần thiết.

Phương Thy

Nguồn tham khảo:

  1. Hiểu thế nào là “con đã thành niên mà không có khả năng lao động” – https://vienkiemsat.haiduong.gov.vn/trao-doi-nghiep-vu/hieu-the-nao-la-con-da-thanh-nien-ma-khong-co-kha-nang-lao-dong-183.html
  2. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc: CON THÀNH NIÊN MÀ KHÔNG CÓ KHẢ NĂNG LAO ĐỘNG – https://tapchitoaan.vn/nguoi-thua-ke-khong-phu-thuoc-vao-noi-dung-di-chuc-con-thanh-nien-ma-khong-co-kha-nang-lao-dong

***

Bài viết này nhằm mục đích cung cấp thông tin và phổ biến quy định pháp luật, không nhằm thay thế cho bất kỳ ý kiến/nhận định pháp lý chuyên sâu nào trong bất kỳ vụ việc cụ thể nào. Trường hợp cần được tư vấn chi tiết hơn về các vấn đề liên quan, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua thông tin bên dưới:

CÔNG TY LUẬT TNHH LEGAL HOUSE & PARTNERS

Email: support@legalhouse.vn

Điện thoại: 0918103030

Địa chỉ: Số 2 Tôn Đức Thắng, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

[1] khoản 1 Điều 2 Luật Người khuyết tật 2010

[2] Khoản 2 Điều 169 BLLĐ 2019, Khoản 2 Điều 4 Nghị định 135/2020/NĐ-CP